Tại Đại hội lần hai, đã có 119 cổ đông và người được uỷ quyền tham dự, tương đương đại diện 36,11% tổng số cổ phiếu đang lưu hành, vì vậy Đại hội đã đủ điều kiện tổ chức.
Trong năm 2024, Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM đặt kế hoạch tổng doanh thu 4.194 tỷ đồng, giảm 11,3% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ 430 tỷ đồng, tăng 9,7% so với thực hiện trong năm 2023.
Về kế hoạch kinh doanh trong năm 2024, Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM cho biết sẽ duy trì vận hành ổn định các dự án BOT cầu đường, đảm bảo nguồn thu ổn định, tăng trưởng đều đặn cho doanh nghiệp; tiếp tục tái cấu trúc và huy động nguồn vốn mới để tối ưu hoá hiệu quả sử dụng dòng tiền từ các dự án BOT.
Tập trung thu hồi vốn và lợi nhuận các khoản đầu tư; tiếp tục nghiên cứu các dự án hạ tầng mới và đánh giá cơ hội đầu tư phù hợp để mở rộng quy mô hoạt động.
Đối với lĩnh vực hạ tầng cầu đường, dự kiến doanh thu năm 2024 sẽ tăng gần 45%, lên 2.441 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu tăng nhờ tăng giá vé thu phí của dự án mở rộng Quốc lộ 1 tỉnh Ninh Thuận và Cầu Cổ Chiên; đồng thời là nhờ việc hợp nhất doanh thu của dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận từ đầu năm.
Được biết, từ quý IV/2023, Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM đã thực hiện hợp nhất dự án BOT Trung Lương – Mỹ Thuận.
“Công ty đang trong quá trình thương lượng mua lại 100% một dự án BOT với mức đầu tư khoảng 1,6 nghìn tỷ, dự kiến sẽ thương lượng xong vào cuối tháng 6 và đầu tháng 7/2024”, ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc công bố việc thực hiện mua lại một dự án BOT sau khi vừa hợp nhất dự án BOT Trung Lương – Mỹ Thuận trong quý IV/2023.
Đối với lĩnh vực bất động sản, Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM dự kiến tiếp tục vận hành ổn định, đẩy mạnh công tác kinh doanh, cho thuê văn phòng, các diện tích thương mại; tiếp tục hoàn thiện hồ sơ pháp lý của các dự án.
Về tình hình tài chính, Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM cho biết thêm sẽ tập trung thanh toán các khoản vay đến hạn và trước hạn để tiết giảm chi phí lãi vay. Trong đó, nhu cầu góp thêm vốn chủ sở hữu vào các dự án đang triển khai sẽ không còn nhiều như giai đoạn trước, dẫn đến việc Công ty sẽ có thặng dư nguồn vốn lớn, là cơ sở để có thể nhanh chóng hoàn trả toàn bộ các khoản nợ tài chính tại Công ty mẹ.
“Việc tăng vốn chủ sở hữu và giảm nợ là bước chuẩn bị năng lực tài chính cần thiết và quan trọng để công ty có thể tham gia đầu tư vào các dự án mới với quy mô lớn từ 10.000-30.000 tỷ đồng trong giai đoạn sau năm 2024”, ông Lê Quốc Bình nhấn mạnh.
Về kế hoạch phân phối lợi nhuận, Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM đã thông qua kế hoạch cổ tức bằng tiền mặt năm 2023 với tỷ lệ 16% và bước sang năm 2024, mức cổ tức dự kiến tiếp tục duy trì là 16% bằng tiền mặt.
Phần thảo luận:
Tổng giám đốc Lê Quốc Bình trả lời tất cả câu hỏi của cổ đông tại Đại hội.
Có đảm bảo nguồn lợi nhuận chia cổ tức lâu dài cho cổ đông khi dư nợ vẫn còn lớn?
Đối với hoạt động BOT, theo luật và Nghị định, các dự án BOT có cơ cấu nguồn vốn 11% là vốn chủ sở hữu và 89% vốn vay, hệ số nợ lên tới 9 lần mới gọi là đầu tư dự án BOT, trong khi công ty đang có hệ số nợ chưa tới 3 lần, vì vậy so với trung bình ngành rất an toàn.
“Nếu đầu tư trong lĩnh vực khác hệ số nợ 3 lần là cao nhưng trong dự án BOT thì đó là hệ số thấp. Trong đó, doanh thu các dự án BOT luôn tăng do lưu lượng xe, đồng thời tăng trưởng giá vé (việc tăng giá vé là cam kết của cơ quan nhà nước), và cuối cùng là cam kết lợi nhuận của cơ quan nhà nước với chủ đầu tư. Vì vậy, Khoản đầu tư BOT là rất an toàn”, ông Bình nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Bình cũng chia sẻ thêm trong luật mới, các dự án BOT không còn được nhà nước cam kết lợi nhuận, chủ đầu tư sẽ lời ăn, lỗ chịu. Trong thời gian tới, đầu tư dự án BOT mới với hệ số nợ vốn chủ sở hữu tỷ lệ 1:1.
Dự báo trước sự thay đổi của quy định pháp luật, trong năm vừa rồi Công ty đã tăng vốn khi phát hành trái phiếu chuyển đổi, công ty sẽ tăng vốn chủ sở hữu để tham gia dự án BOT mới.
Thêm nữa, chia sẻ về trường hợp ngoại lệ mà chủ đầu tư BOT gặp khó khăn, ông Bình cho biết: “Trừ khi doanh số thu phí không đủ để trả được lãi vay. Nếu một dự án BOT vào tình trạng vậy, vì tiền thu về không đủ trả lãi nên chủ đầu tư gặp khó khăn. Trong đó, CII thành lập 20 năm nhưng đã lựa chọn dự án BOT rất kỹ để đầu tư”.
Về chính sách cổ tức, Công ty xác định sẽ duy trì cổ tức 16%/năm nhưng không có cam kết trả cổ đồng đều qua các năm, Công ty cố duy trì tỷ lệ cổ tức này. Tuy nhiên, ông Bình cũng cho biết thêm giả sử Công ty trúng thầu dự án, vì nhiều lý do không vay được ngân hàng, vì vậy có thể cân đối dòng tiền để đầu tư, sau đó trả cổ tức bù cho cổ đông vào các năm tiếp theo.
“Đến giờ phút này, công ty vẫn duy trì mức cổ tức 4%/quý (16%/năm)”, ông Bình nhấn mạnh.
Doanh thu nào giảm mạnh so với trong năm 2023?
Năm 2023, Công ty còn doanh thu một phần từ bất động sản chuyển sang, từ năm 2024-2025 mảng bất động sản có doanh thu bằng không do tốc độ giải quyết tiến độ pháp lý rất khó, vì vậy doanh thu sụt giảm liên quan tới lĩnh vực bất động sản.
Dự báo lĩnh vực bất động sản và tháo gỡ pháp lý các dự án mà công ty sở hữu?
Đối với nhóm dự án Thủ Thiêm (TP.HCM), Công ty chưa nói được câu chuyện nào về Thủ Thiêm, cho tới thời điểm này chưa có tháo gỡ nào tới dự án ở Thủ Thiêm. Trong đó, nhiều thông tin mà Công ty nhận được thì các dự án Thủ Thiêm có thể tháo gỡ được pháp lý trong thời gian tới.
Tuy nhiên, ông Bình cũng cho biết thêm: “Công ty không thể dự phóng được các dự án bất động sản ở Thủ Thiêm”.
Đối với nhóm dự án ở Năm Bảy Bảy, khó khăn pháp lý cũng tương tự như dự án tại Thủ Thiêm. Trong đó, một văn bản trình lên, Công ty lấy được một chữ ký sau khi trình hơn 2 năm, đối với bất động sản, gỡ khó pháp lý rất khó khăn. Công ty cũng đang kỳ vọng Luật Đất đai, Luật nhà ở mới với hy vọng sẽ tháo gỡ được tháo lý.
“Công ty không thể dự phóng được việc triển khai, hạch toán lợi nhuận dự án bất động sản mà Năm Bảy Bảy sở hữu”, ông Bình chia sẻ thêm với cổ đông.
Dự án hạ tầng liên quan khu công nghiệp công ty có kế hoạch mua đã triển khai tới đâu?
Về cơ bản công ty đã đàm phán, đã chuyển giao dự án xong, nguồn vốn triển khai đã xong, dự kiến sẽ hoàn thành chuyển giao trong cuối tháng 6 và đầu tháng 7/2024. Trong đó, dự án có khả năng đi vào khai thác quý I/2025, tổng vốn đầu tư 1.650 tỷ đồng, Công ty đang kiến nghị nâng quy mô lên gấp đôi vì dự án nằm trong đường huyết mạch của 6 tỉnh vùng Đông Nam Bộ, vì vậy quy mô 4 làn đường không phù hợp, Công ty dự kiến mở rộng đường lên gấp đôi.
Kết thúc Đại hội, toàn bộ tờ trình được thông qua.
Tác giả: roots
Nguồn tin: Báo Đầu Tư